01-11-2024

Người đánh thức vẻ đẹp của làng nghề truyền thống

“Lúa xanh như vẫy gọi, tiếng ca như chào mời, bạn ơi hãy đến Thái Bình quê tôi”…

Một ngày tháng 5 năm 2023, chúng tôi có dịp về quê hương Thái Bình, ghé thăm gia đình nghệ nhân Đinh Quang Thắng tại một vùng quê yên ả, nơi có những cánh đồng lúa xanh mướt, trải dài bao quanh dòng sông Trà Lý thơ mộng, hiền hoà, trù phú. Chào đón chúng tôi là những con người ấm áp, đong đầy tình cảm yêu thương, chân chất mộc mạc của miền quê giàu lòng nhân ái, mến khách và thật thà.

Người đánh thức vẻ đẹp của làng nghề truyền thống- Ảnh 1.

Làng Đồng Xâm, Xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương Thái Bình là một vùng quê gắn với những Di tích lịch sử Văn hoá được lưu danh sử sách và nhiều người biết đến. Một quê hương với nhiều sản phẩm và những đặc sản đặc trưng vùng miền ở nhiều địa phương. Một trong những sản phẩm đặc sắc đưa Thái Bình đến với sự nổi tiếng phải kể đến chính là các sản phẩm chạm trổ vàng bạc rất độc đáo, tinh xảo, được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, tạo ra những kiệt tác có giá trị cao, phục vụ du khách thập phương trong và ngoài nước. Vẻ đẹp ấy đã trở thành nguồn cảm hứng, đi vào những tác phẩm thơ nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, làm tan chảy trái tim bao người: "tay anh trổ vàng, tay em chạm bạc, làm giàu cho quê hương Thái Bình ta đó, lòng anh yêu thương"… (Ca khúc: Nắng ấm quê hương - ST: Vĩnh An), mà những người dân quê hương hoặc ai từng yêu mảnh đất và con người nơi đây không thể không biết đến bài hát này.

Chuyện kể rằng, xưa vào khoảng thế kỷ thứ 15, dưới thời nhà Trần, có một người đàn ông từ vùng đất Cao Bằng theo thuyền nan xuôi dòng đến bến bờ sông Trà Lý, rồi truyền nghề chạm kim khí cho người dân nơi đây. Từ đó về sau, nghề này trở thành một nghề truyền thống phục vụ cuộc sống mưu sinh của những người con trên mảnh đất này. Nhiều nghệ nhân xuất sắc xuất hiện thời đó. Trải qua những thăng trầm lịch sử, nghề này đã bị mai một đi rất nhiều, ngày nay chỉ còn số ít người theo nghề. Một trong số những người dành nhiều tâm huyết giữ gìn khôi phục nghề gia truyền ông cha để lại là anh Đinh Quang Thắng, một cựu thanh niên xung phong danh dự, một nghệ nhân tài hoa tâm đức, được mệnh danh là người có "bàn tay vàng", tích cực góp phần gìn giữ tinh hoa ngành nghề truyền thống đến hôm nay và phát triển nghề lên một tầm cao mới.

Người đánh thức vẻ đẹp của làng nghề truyền thống- Ảnh 2.

Nghệ nhân Đinh Quang Thắng sinh ra tại làng nghề chạm bạc Đồng Xâm Xã Hồng Thái huyện Kiến xương tỉnh Thái Bình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, trở về quê hương, anh mang trong mình một tình yêu nghề cháy bỏng và khao khát được kế thừa phát huy nghề chạm bạc gia truyền mà tổ tiên anh để lại. Thời điểm đó mọi thứ rất khó khăn, nhưng gian nan không làm anh chùn bước. Anh nỗ lực vượt lên mọi thiếu thốn gian khổ, từ một người thợ thủ công, anh chăm chỉ nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các thế hệ đi trước để làm ra những sản phẩm chạm trổ khéo léo, tinh xảo nhất. Nhờ sự kiên trì bền bỉ bám đuổi nghề nghiệp cùng với đôi bàn tay tài hoa, và trí óc thông minh vốn có của mình, anh tự làm tất cả các công đoạn, từ vẽ hình đến các khâu đục chạm…, anh không chỉ là một tay nghề giỏi mà còn là một người thầy truyền dạy lại nghề cho lớp trẻ làng Đồng Xâm. Những lúc cao điểm anh có trên 10 thợ làm việc cho mình, các bạn được anh quan tâm chỉ bảo tận tình, huấn luyện rất kỹ càng, tạo ra một lực lượng lao động tay nghề cao, phục vụ phát triển và mở rộng ngành nghề, đảm bảo cuộc sống cho nhiều gia đình trong làng, góp phần ổn định xã hội.

Hàng ngày trong ngôi nhà của mình, những âm thanh của tiếng đục, tiếng chạm chen lẫn tiếng nói cười râm ran của các nghệ nhân, họ say sưa làm việc trong niềm vui, tạo ra nhiều giá trị, nên dù công việc vất vả họ vẫn rất năng lượng, vì họ được làm việc với anh chị chủ nhà là những người tình nghĩa, vui vẻ, hài hước, luôn quan tâm chu đáo, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của mọi người, và là tấm gương mẫu mực trong công việc và lối sống hàng ngày. Đáp lại tình cảm đó, họ làm việc chăm chỉ, có tinh thần trách nhiệm với phần việc của mình.

Các sản phẩm từ những nguyên liệu thô kệch, với đôi tay khéo léo tỉ mỉ, trau chuốt và lao động quên mình, anh Thắng chỉn chu cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ. Từng nhát búa đều thoăn thoát, người nghệ nhân như những hoạ sĩ, biến dùi đục, đinh, cán thành chiếc bút lông, tạo nên tác phẩm của riêng mình. Từng hoạ tiết khi thì khắc chìm chạm nổi đơn giản, lúc lại cầu kỳ, tỉ mỉ từng chút một, biến tấm nguyên liệu vô tri thành bức tranh thiên nhiên sống động có hồn, tươi sáng, hiển lộ dần qua từng đường nét chạm khắc tinh tế của người thợ, thể hiện cái tài hoa của người làm nghề, bàn tay điệu nghệ, đôi mắt nhìn thẩm mĩ, kỹ thuật cao, đặc biệt là những bí quyết riêng. Nhờ cầu kỳ công phu như vậy, nên người thợ chạm ngày ngày tạo nên những sản phẩm kim hoàn chất lượng, mang nét đẹp riêng, chạm đến cảm xúc và trình độ thẩm định của những người sành điệu, khiến thương hiệu sản phẩm ngày càng vang xa, góp phần đưa làng nghề truyền thống nổi danh trong và ngoài nước.

Nhiều sản phẩm đẹp xuất sắc mang tính nghệ thuật thẩm mĩ và giá trị cao, khiến người xem sản phẩm của anh phải ngỡ ngàng. Trong vô số những sản phẩm được anh chế tác, đặc biệt phải kể đến Đôi Kiếm thời nhà Nguyễn được anh chạm vào năm 2005, đã vinh dự được triển lãm ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, được đánh giá cao, là sản phẩm tối ưu, đạt đến trình độ khắt khe nhất về thủ công mỹ nghệ, mọi tinh hoa về thẩm mỹ được dồn tụ trong đôi kiếm này.

Thế hệ nối tiếp thế hệ, những chuẩn mực kỹ nghệ làm nghề được anh giữ gìn, phát triển và có nhiều sáng tạo mới phù hợp xu thế người tiêu dùng, hợp thời đại. Những con người tâm huyết với nghề luôn tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm tạo dấu ấn với khách hàng. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Đinh Quang Thắng đã góp phần làm nổi danh vùng đất Tổ nghề trên quê hương.

Chạm bạc là một nghề kén người, nhiều công đoạn khó, phức tạp, phải cần cù chịu khó và có đam mê với nghề mới làm được. Những người nóng nảy hời hợt, tính cách cẩu thả, thích "ăn xổi" sẽ không thích hợp để làm nghề. Người làm nghề này phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và tập trung cao độ. Có lẽ chính những đòi hỏi khắt khe và yêu cầu cao của nghề, đã hun đúc tâm hồn người, tạo nên nét tính cách điềm đạm, cẩn trọng trong con người của anh, trở thành những phẩm chất quý báu. Bao nhiêu năm làm nghề là bấy nhiều năm được trưởng dưỡng trong môi trường lao động cần sự rèn dũa tinh tế, đức tính kiên trì bền bỉ, chuyên tâm, chú tâm quan sát tỉ mỉ. Một cách tự nhiên những thói quen được lặp đi lặp lại ấy đã bồi đắp và làm đầy thêm những chất liệu quý làm giàu tâm hồn người thợ, để rồi làm việc gì anh cũng cẩn trọng, chỉn chu và kỹ lưỡng trong từng hành động, điều mà không phải nghề nào cũng có được. Tạc khắc nghề là tạc khắc nên con người, nét tính cách đẹp đẽ, đáng quý trội hơn thường tình, thật đáng nể phục. Từ đó ta thêm hiểu đặc thù của nghề để thấy hết giá trị và trân quý nghề hơn. Nhiều trải nghiệm cuộc sống thăng trầm vất vả của đời người, sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, những kinh nghiệm quý được đúc kết, cùng sự biết trân trọng và nâng niu cuộc sống… trở thành khí chất kết tinh qua năm rộng tháng dài, được dồn tụ vào từng đường nét chạm trổ, tạo nên sức sống trong từng tiểu tiết nhỏ. Từ những chiếc lá, bông hoa… đều trở nên mềm mại, tự nhiên, có sắc thái biểu cảm, chứa đựng bầu nhiệt huyết, gửi gắm tình yêu quê hương đất nước, con người chân thật thông qua tác phẩm rất sống động, sự kết hợp hài hoà của hàng trăm chi tiết nhỏ, như đưa cái hồn của thiên nhiên thu vào sản phẩm. Sự làm việc nhiệt tình quên mình không vì lợi ích, mà chỉ mong để lại di sản làm đẹp cuộc sống giúp anh thăng hoa và toả sáng qua tác phẩm của mình. Từng đường nét chạm khắc đạt tới trình độ điêu luyện, minh chứng cho bề dày của người thợ cần mẫn, tay nghề cao đã trải qua quá trình dài học hỏi, rèn luyện và trưởng thành, sự gạn lọc của thời gian mới trở nên lão luyện như vậy.

Nghề càng phát triển đòi hỏi sự tinh xảo càng cao, càng thể hiện tài năng, trí tuệ và sự khéo léo của người nghệ nhân được trao truyền qua bao thế hệ, mang dấu ấn của tiền nhân thuở trước. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc đáo mang hồn cốt của làng nghề. Chính tài năng và tính cẩn trọng tỉ mỉ, chỉn chu trong từng đường nét, sự khéo léo sắp xếp các chi tiết cân đối hài hòa hết sức sáng tạo, cuốn hút mà không máy móc nào thay thế được, tạo nên nét tinh hoa dân tộc. Dù máy móc công nghệ phát triển, nhưng cái tinh tuý của nghề, cái hồn của sản phẩm máy móc không thể thay thế bầu nhiệt huyết của trái tim đặt vào từng tác phẩm của người làm nghề.

Mỗi tác phẩm đạt đến trình độ nghệ thuật xuất sắc, nét vẽ đanh khôn, kỹ nghệ cầu kỳ, là nét tài hoa trong anh, và được đánh giá cao, bởi dáng vẻ thanh thoát, đường nét trau chuốt, chuẩn mực tinh tế, có độ kênh bong đẹp mắt, làm hài lòng khách hàng gần xa, không chỉ đáp ứng nhu cầu của những khách hàng kỹ tính mà cả những người am tường về nghệ thuật hiểu sâu về giá trị sản phẩm cũng phải thừa nhận. Anh quan niệm làm việc gì cũng phải làm tốt nhất, từ đó anh luôn đưa tâm làm từng việc nhỏ, ý thức làm sao để sản phẩm đạt chất lượng. Do đó việc dồn tâm công phu, trách nhiệm cao trở thành lối sống, thành nét tính cách trong mỗi việc làm của anh.

Với tâm huyết giữ "lửa nghề" trước mọi biến động của thị trường, giữ gìn giá trị cốt lõi, tinh hoa mà bao đời cha ông để lại, anh luôn trăn trở làm thế nào để nhân bản, truyền thừa cho thế hệ kế tiếp, những bí quyết gia truyền mà ông cha để lại. Để làm được những sản phẩm cao cấp, xuất thần thì bản thân người làm nghề cần có năng khiếu, giàu trí tưởng tượng, biết vận dụng những kỹ thuật chế tác tài tình, có óc sáng tạo, và phải đặc biệt yêu nghề. Anh mong muốn đào tạo nên thế hệ kế tục sự nghiệp, tiếp nối cha ông. Đó là một nét văn hóa đẹp, luôn nhớ ơn và tôn vinh công lao đóng góp của các bậc tiền nhân đi trước. Làm sao để giữ nghề, gắn kết những người yêu và phát triển nghề hơn nũa, mong muốn nghề chạm bạc được khắc sâu trong ký ức thời gian và biến Đồng Xâm trở thành điểm đến, thành khu du lịch phục vụ các lượt khách trong và ngoài nước.

Hàng năm anh cùng với dân làng đều tổ chức ngày Hội làng nghề và suy tôn ông Tổ nghề chạm bạc Tháng 4 nhớ hội Đồng Xâm Hồng Thái chạm bạc làm mâm đồ Thờ Trà Giang sông lượn nên thơ An bình đò bóng đôi bờ người sang.

Thời gian trôi qua, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn được giữ gìn và phát triển, góp phần vào bức tranh muôn sắc màu của các làng nghề truyền thống Việt Nam. Nhiều sản phẩm đa dạng, chắt chiu từng giọt mồ hôi, thành quả ngọt, làm giàu cho quê hương và làm đẹp cho đời. Rất nhiều sản phẩm được anh từ thiện cúng tiến cho công việc tâm linh nhiều tỉnh thành. Không chỉ là nghệ nhân có " Bàn tay vàng", anh còn là một người con trọn tình nghĩa với xóm làng, một cựu thanh niên xung phong điến hình tiên tiến, một công dân ưu tú xuất sắc, được người quý mến nể trọng. Từ những đóng góp công sức thiết thực của mình, anh vinh dự được các cấp các ngành Nhà nước tặng nhiều Bằng khen, giấy khen và nhiều giải thưởng cao quý khác và được đại diện dự nhiều Hội nghị lớn tầm cỡ cấp Quốc gia.

Quê hương Đồng Xâm nói riêng và Thái Bình nói chung với đặc sản là những con người mộc mạc, chân chất, sống nặng nghĩa, nặng tình, chịu thương chịu khó, phải chăng đó là lý do mà nhạc sĩ Vĩnh An đã thốt lên câu cảm thán: Thái Bình ơi Thái Bình/ ai đặt tên cho đất/ Thái Bình tự bao giờ/ mà trong nắng trong mưa/ lúa vẫn lên xanh tốt/ mà trong bom trong đạn/ đất vẫn cứ sinh sôi/ Thái Bình ơi/ sao mà yêu đến thế!… Và rất nhiều bài hát khác nữa của các nhạc sĩ nổi tiếng cũng được thai nghén từ mảnh đất này. Một miền quê với những người con sống bình dị, chan hoà, gần gũi, cần cù chịu khó, chịu khổ, biết hy sinh vì người khác, bởi trải nhiều thế kỷ, "bao năm trường gian khó/ bao con người vất vả/ làm nên đất anh hùng"… vì sự bất diệt, trường tồn của thế hệ hôm nay và mai sau.

Thanh Huyền