Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng: Trở ngại lớn nhất hiện nay là quy định về lợi nhuận 10% cho các dự án nhà ở xã hội
Đây là ý kiến của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng tại hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 21/9.
Tại hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 21/9, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng đã đưa ra ba nhóm đề xuất quan trọng.
Đầu tiên, về lĩnh vực giáo dục, ông Vượng đề nghị Chính phủ tăng cường đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ trong hệ thống trường công lập mà còn mở rộng cho toàn dân, hướng đến xây dựng một xã hội công dân toàn cầu. Vingroup cùng các doanh nghiệp cam kết tài trợ cho việc đưa giáo viên đến các vùng sâu, vùng xa để thực hiện chương trình này.
"Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị, đó sẽ là cách trao cho trẻ em ở các khu vực khó khăn một 'cần câu cơm' vững chắc, giúp phát triển những vùng này trong tương lai", ông Vượng nhấn mạnh.
Về an sinh xã hội, trọng tâm là nhà ở xã hội, Chủ tịch Vingroup đề xuất Chính phủ áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục. Ông cho biết, trở ngại lớn nhất hiện nay là quy định về lợi nhuận 10% cho các dự án nhà ở xã hội.
"Nếu doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án với lợi nhuận chỉ 10%, họ sẽ gặp khó khăn lớn, vì chỉ cần chậm tiến độ bán hàng 1-2 năm, vốn sẽ bị tồn đọng và có thể gây thua lỗ. Nhà ở xã hội mang tính chất đóng góp, không phải là một hoạt động kinh doanh thông thường", ông Vượng giải thích.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện song song các quy hoạch như quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết và liên khu vực, giúp giảm thời gian từ 6-9 tháng cho công tác chuẩn bị này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Vingroup đề nghị nâng cao tiêu chuẩn nhà ở xã hội, như phải có hầm để xe, khu vui chơi cho trẻ em và các tiện ích khác. Ông nhấn mạnh cần dành riêng khu vực nhà ở xã hội cho cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và quân đội.
Về nhóm vấn đề tiếp theo, ông Vượng đề xuất Chính phủ tăng cường hoặc mở rộng hạn ngạch đầu tư đào tạo nhân lực trong các ngành công nghệ, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo (AI), và dữ liệu lớn. Theo ông, đây là những ngành có tiềm năng phát triển lớn hơn so với các lĩnh vực khác.
Cuối cùng, lãnh đạo Vingroup kêu gọi Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ, góp phần xây dựng một ngành công nghiệp phụ trợ mạnh mẽ trong tương lai.