Bức ảnh hai học sinh ngồi học trông rất bình thường, nhìn sang 1 thứ trên mặt nam sinh, dân tình cười rũ rượi: Cô cao tay thật!
Nhiều người cho biết, họ như thấy hình ảnh con cái mình đâu đây.
Chuyện học sinh hay nói chuyện trong lớp là vấn đề "đau đầu" của giáo viên. Nhất là trẻ ở giai đoạn tiểu học hiếu động, ý thức còn chưa cao, thầy cô càng phải dành nhiều thời gian nhắc nhở.
Để "đối phó" với một nhân vật hơi... nhiều chuyện trong lớp, một giáo viên đã có phương pháp không thể nào hiệu quả hơn. Theo đó, một cư dân mạng đã chia sẻ hình ảnh nam sinh với vật dụng... kỳ lạ trên mặt khiến ai nấy cười ná thở.
"Măng non đam mê "buôn dưa lê" với bạn cùng bàn quá nên cô giáo tặng luôn cho "ẻm" cái mic để nói chiện cho trôi", người này hài hước chia sẻ. Quả thật, với "trợ thủ" này thì mỗi khi cất tiếng, không chỉ bạn bên cạnh được nghe mà cả lớp đều được "thưởng thức" giọng nói của nam sinh này. Như vậy thì còn hó hé gì được nữa.
Dưới bài viết, nhiều người cho biết, họ như thấy hình ảnh con cái mình đâu đây. "Chắc phải đề xuất cô cho con tôi 1 chiếc"; "Thấy cũng thương mà thôi cũng kệ"; "49 gặp... 500 chứ không phải 50 luôn".
Trên thực tế, nguyên nhân trẻ nói chuyện rất nhiều. Có thể do hiếu động, bài giảng không thu hút, gặp đúng "cạ cứng"...
Học sinh nói chuyện nhiều trước tiên, giáo viên phải xem lại cách tổ chức lớp học, phương pháp dạy học có lôi cuốn học sinh không. Không ít giáo viên rập khuôn theo khuôn mẫu cấp trên chỉ đạo tìm sự an toàn mà họ đánh mất đi kiên định sáng tạo trong dạy học. Mỗi ngày, hãy tìm 1 phương pháp giảng thú vị cho các con, lồng ghép các hoạt động chơi mà học học mà chơi.
Nhưng trước hết giáo viên phải là người dõi theo và quan tâm các em để biết được nguyên nhân, đừng vội vì các em trong lớp nói chuyện quá nhiều mà đưa ra những hình phạt hà khắc làm ảnh hưởng đến tâm lý.
Thầy cô có thể xếp những em hiếu động, hay nói chuyện riêng ngồi cùng dãy với những em trầm tính, ngoan và không nói chuyện, các bàn đều xen kẽ nam và nữ (nhằm mục đích bình đẳng giới, hạn chế học sinh làm việc riêng, dung hòa cá tính hiếu động của học sinh nam).
Thi đua, khen thưởng cũng là một hình thức có thể cải thiện một cách rõ rệt tình trạng nói chuyện riêng của học sinh. Giáo viên có thể cho các tổ trong lớp thi đua xem trong tuần tổ nào học nghiêm túc nhất, giữ trật tự trong giờ học tốt nhất. Sau mỗi buổi học thì sẽ tiến hành bình chọn, tổ nào nhất sẽ được thưởng một phần quà nào đó và sẽ được tổng kết vào giờ sinh hoạt lớp cuối tuần.
Hiểu Đan